10 bệnh ngoài da thường hay gặp và triệu chứng sớm nhất của bệnh chốc lở, ghẻ, bệnh hắc lào lang ben, bệnh á sừng, vảy nến, mụn cóc, nấm da..
Các bệnh ngoài da thường gặp và cách phòng chống
Hiện nay các bệnh da liễu xảy ra rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày đối với mỗi chúng ta. Nguyên nhân là do: Làm sạch ko đúng cách, môi trường sống ẩm thấp, bụi bặm; nguồn nước sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn, ăn uống quá dư thừa dầu mỡ,…
Bên cạnh đấy có một lượng ko nhỏ bệnh nhân bị viêm da do tự ý dùng mỹ phẩm tự chế hoặc truyền tai nhau, khi bị bệnh thì đến điều trị ở những nơi không đủ uy tín; cũng có nguyên nhân dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ nên dẫn đến những biến chứng vô lường.
1/ Biểu hiện của bệnh chốc lở
Chốc lở: là một bệnh nhiễm trùng da chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Bệnh có biểu hiện là những nốt mụn đỏ, sau đó vỡ ra, rỉ nước trong một vài ngày và đóng vảy, thường xuất hiện ở vùng mặt, nhất là quanh mũi và miệng. Bệnh dễ lây và thường có nguyên nhân do vi khuẩn.
2/ Bệnh ghẻ và triệu chứng
Ghẻ: Là bệnh lây truyền trong gia đình, tập thể. Nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng có tên Sarcopte Scabiei. Triệu chứng gồm: nổi mụn nước ở các kẽ tay, cổ tay, vùng bụng, bộ phận sinh dục, ngứa nhiều về ban đêm. Trong gia đình người bệnh thường có vài người mang biểu hiện tương tự.
3/ Biểu hiện của mụn cóc
Mụn cóc (mụn cơm): Đây không phải là bệnh ung thư mà là do siêu vi trùng papillomavirus gây nên. Mọi người đều có thể bị mụn cơm trẻ em thường bị nhiều hơn người lớn. Mụn cơm có thể lan truyền từ phần này sang phần khác trong cơ thể hoặc lây từ người này hay người kia.
4/ Bệnh zona hay giời leo
Bệnh zona: Bệnh có tên khoa học là Herpes zoster, bệnh do virút cùng loại vi-rút thuỷ đậu gây nên. Vi-rút này có tên là Varicella zoster. Bệnh zona có thể lây truyền từ người bị nhiễm sang trẻ em hay người lớn mà những người này trước đây không mắc bệnh thuỷ đậu.
5/ Triệu chứng bị hắc lào
Bệnh hắc lào: là một trong những bệnh nấm da có khả năng lây từ người này sang người khác do sử dụng chung các đồ dùng sinh hoạt như quần, áo, khăn mặt, khăn tắm, ngủ chung giường, đắp chung chăn
6/ Bệnh nấm ngoài da
Bệnh nấm da đùi (tinea cruris): là một bệnh nấm hay gặp xảy ra ở da vùng mặt trong đùi, mông và vùng sinh dục. Bệnh do một loại nấm có tên là dermatophytes gây ra. Bệnh lây do dùng chung khăn, quần áo hoặc qua quan hệ TD với người nhiễm bệnh.
7/ Triệu chứng của bệnh nổi mề đay
Nổi mề đay: là một bệnh da phổ biến, rất dễ nhận biết nhưng lại khó phát hiện nguyên nhân dù đã làm đầy đủ các xét nghiệm. Có nhiều yếu tố gây bệnh (bên trong, bên ngoài cơ thể, cơ địa) và trên một bệnh nhân, nhiều khi không chỉ có một mà gồm nhiều yếu tố cùng kết hợp.
8/ Bệnh tổ đỉa là gì?
Tổ đỉa: là bệnh rất hay gặp ở tay, tiếng Anh gọi là Pompholyx, hoặc viêm da mụn nước ở lòng bàn tay và bàn chân. Bệnh nhân thường có cơ địa dị ứng và bệnh thường xảy ra sau khi có stress.
9/ Bệnh á sừng và triệu chứng
Bệnh á sừng: là một bệnh viêm da cơ địa dị ứng, là một bệnh ngoài da khá phổ biến, có thể gặp ở nhiều vị trí da khác nhau, nhưng rõ rệt nhất là ở các đầu ngón tay, chân, gót chân. Lớp da ở những vị trí này thường khô ráp, róc da, nứt nẻ gây đau đớn.
10/ Bệnh vảy nên
Bệnh vảy nến: là một bệnh mãn tính xảy ra khi các tế bào da phát triển quá nhanh chóng, cơ thể không thể lột da tế bào dư thừa này do đó những mảng vảy màu trắng bạc xếp thành nhiều lớp như sáp nến.
Phòng tránh bằng cách nào?
Da không phải là vỏ bọc đơn thuần mà là một cơ quan lớn nhất của cơ thể, có những chức năng tinh vi và phức tạp. Da phải được chăm sóc thường xuyên để tránh bị tổn thương do các yếu tố môi trường, vi khuẩn, virus, nấm và các bức xạ của môi trường tác động. Sau đây là một số biện pháp quan trọng cần thiết để phòng chống bệnh ngoài da
1/ Tắm gội thường xuyên, đúng cách
- Cần giữ cho da sạch, phải thường xuyên tắm gội thay quần áo, mục đích nhằm tẩy các chất bã nhờn, mồ hôi, bụi và vô số sinh vật bám trên da: ở lỗ chân lông, nếp kẽ, da đầu. Tùy theo mùa, lứa tuổi, sức khỏe, điều kiện sinh hoạt, lao động nguồn nước có thể tắm gội bao nhiêu lần trong ngày, trong tuần cho thích hợp. Không nên tắm quá lâu, dội nước đột ngột nhất là khi ra mồ hôi nhiều, vừa đi nắng về hoặc tắm nơi có gió lùa dễ bị cảm lạnh, viêm mũi họng. Không nên làm dụng xà phòng hoặc nước quá nóng làm tổn hại đến phim bã (lớp chất nhờn bảo vệ trên da), nhất là người lớn tuổi da đã khô do giảm tiết chất bã và mồ hôi.
- Đối với trẻ nhỏ, chỉ nên dùng xà phòng ở những vùng nách bẹn, mà chỉ nên dùng những loại xà phòng đã quen thuộc an toàn. Nước tắm phải là nước sạch, không nên tắm ở ao hồ thả vịt nước đọng, ở suối có nhiều lá lim, lá ngữa, dễ bị viêm da và ấu trùng sán vịt, thao tác tắm phải nhẹ nhàng không kỳ cọ bằng đá, dép cao xu, dây thừng, thành giếng, dễ gây xây xước da, không nên gội đầu quá nhiều hoặc những loại nước gội đầu có độ tẩy gàu cao làm tổn thương đến lớp mỡ đề kháng của da khiến cho vi khuẩn và nấm phát triển, chú ý không cào, vò quá mạnh bằng móng tay hoặc bằng lược sắc, mà chỉ miết bằng đầu ngón tay không gây xước da.
- Những người có bệnh trên da hoặc trên da đầu cần hạn chế xà phòng, tắm gội xong cần phải lau khô, lau kỹ các nếp, kẽ chân, da đầu, để da ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát triển.
2/ Cẩn thận khi dùng kem, mỹ phẩm
Da vốn rất hay nhạy cảm, những năm gần đây, các bệnh trứng cá, viêm da mặt, nám má, có chiều hướng gia tăng do lạm dụng mỹ phẩm, những loại mỹ phẩm có chất thơm do điều kiện nhiệt đới nên dễ cảm ứng với ánh sáng gây viêm da, nhiễm sắc, sạm da, nám má dẫn xuất của phtalat có thể gây ra nhiễm độc thần kinh, xơ cứng động mạch, ung thư. Son bôi môi, dầu tô móng, thuốc nhuộm tóc có thể gây dị ứng, viêm da, viêm môi, viêm quanh mép, viêm da đầu, viêm quanh móng…
3/ Trang phục quần áo, mũ, tất, khăn quàng
- Đây là những phương tiện không thể thiếu để bảo vệ sức khỏe và tăng vẻ đẹp con người, chúng đều tiếp xúc trực tiếp với da, do đó khi sử dụng cần chú ý để không làm hại da, trang phục cần được giữ sạch sẽ, không để bụi bặm, dầu mỡ bám vào, phải được thay khi bẩn, nếu ẩm do nước hoặc mồ hôi cần được thay giặt kịp thời, khi phơi cần lộn trái để ánh nắng chiếu, rọi vào có tác dụng diệt khuẩn, diệt nha bào nấm bám trên vải, quần áo lót không nên mặc quá chật, hạn chế dùng đồ nylon có tác hại giữ mồ hôi, ẩm ướt, nóng ẩm ở nếp bẹn, nếp dưới vú tạo điều kiện cho nấm phát triển.
- Cần chú ý một số chun quần, mặt hàng nilon, sợi tổng hợp, nhiều loại thuốc nhuộm trên vải có thể là nguyên nhân gây ra viêm da dị ứng. Vải giả da, quai nón, mũ, dây đeo đồng hồ, khăn quàng nylon, quai dép, guốc, có thể gây viêm dạ dị ứng. Đối với trẻ nhỏ quấn tá lót quá nhiều, đóng bỉm cũng là nguyên nhân hay gặp dẫn tới hăm bẹn, viêm da tiếp xúc do tã lót, chốc lở, rôm sẩy.
4/ Dùng thuốc đặc trị khi mới phát hiện bệnh
- Thuốc bôi trên da có tác dụng tại chỗ, đồng thời có tác dụng toàn thân. Thuốc bôi sẽ ngấm qua lớp sừng vào các khe gian bào, nang lông, vượt qua lớp đáy xuống tận trung bì và sâu hơn, vào đến thần kinh, mạch máu, từ đó thuốc bôi có ảnh hưởng tới toàn thân, nhưng thuốc uống cũng là con dao hai lưỡi: thuốc bôi có tác dụng tốt, từ bạt vảy tạo sừng dưỡng da, chống viêm, chống ngứa, diệt khuẩn, diệt nấm kết hợp với thuốc toàn thân đã chữa được nhiều loại bệnh nhưng cũng đã xảy ra nhiều trường hợp tai biến do dùng thuốc ngoài gai vì người bệnh tự dùng thuốc không thích hợp. Điều cơ bản nhất là dùng bôi thuốc gì cũng tránh không được cạo xát, kỳ cọ mạnh lên da gây tổn thương, cạo xát mạnh chỉ làm da thêm tổn thương chỉ làm mầm bệnh ngấm sâu hơn đồng thời làm giảm quá trình tái tạo tế bào của thuốc.
- Mỗi loại thuốc đều có chỉ định và cách dùng riêng do các thầy thuốc quy định chặt chẽ cụ thể, không thể tùy thiện sử dụng dễ xảy ra hậu quả xấu, mỗi loại bệnh phải dùng thuốc gì bôi như thế nào, bao nhiêu lần trong ngày thời gian bao nhiêu lâu đều do thầy thuốc chuyên khoa hướng dẫn. Người bệnh phải kiên trì, tuân theo thì mới đạt được kết quả tốt.
5/ Dinh dưỡng hợp lý
Trong điều trị bệnh da, ăn uống có quan hệ rất chặt chẽ với sự phát triển của bệnh và kết quả điều trị, dinh dưỡng có tác dụng lớn trong quá trình chuyển hóa trao đổi chất, đảm bảo sự phát triển bình thường của cơ thể nói chung và của da nói riêng. Thừa hoặc thiếu dinh dưỡng đều gây ra những tổn thương da và niêm mạc cùng với các rối loạn khác trong cơ thể như: bệnh nhân ngứa, liên quan đến cơ địa dị ứng nên cảnh giác khi ăn tôm, cua, cá bể, nhộng mực, ốc, lòng lợn, thịt chó… là những chất có tiềm năng gây dị ứng cao, nên hạn chế những chất kích thích: cà phê, thuốc lá, rượu, chè đặc, gia vị….
Những chất này sẽ làm tăng hoặc tái phát với bệnh trứng cá và vảy nến…, người có bệnh da cấp tính nên hạn chế đường muối, trẻ em bị viêm da cơ địa nên hạn chế dùng sữa bò, lòng trắng trứng. Trẻ em bị bệnh nhiễm khuẩn, nên ăn ít đường, kể cả các quả có hạm lượng đường cao như mít, xoài, dứa, nho… Bệnh da dầu, trứng cá, vảy nến nên ăn bớt đường mỡ, tăng cường ăn rau, đậu, đạm thực vật, hạn chế các chất kích thích. Bệnh nhân loét niêm mạc miệng nên ăn nhạt, lỏng, ít gia vị, nên ăn nhiều thức ăn có vitamin A, B, C…
6/ Luyện tập da
- Xoa bóp da là biện pháp chủ động bảo vệ da, luyện tập cho da mềm mại, kích thích hệ thống thần kinh và mạch máu, tăng cường dinh dưỡng cho da, trì hoãn quá trình lão hóa mỗi ngày nên có từ 5-10 phút xoa bóp sau khi tập thể dục cho tới khi cảm giác da ấm dần lên mới có tác dụng.
- Ánh nắng có tác dụng đối với da, cần được sử dụng hợp lý, tránh lạm dụng, nhất là vào mùa hẹ, cần đề phòng các tai biến có thể xảy ra như viêm da, phỏng nước, sạm da, thậm chí say nắng do nhiễm độc ánh sáng. Không tắm nắng trong khoảng thời gian từ 10-16 giờ, là lúc cường độ tia cực tím và hồng ngoại cao chỉ nên tắm 30-60 phút trở lại, không nên tắm quá lâu, bắt đầu từ 5-10 phút sau tăng dần khi tắm nắng, phải đeo kính râm hoặc nhắm mắt không nên để tia nắng chiếu trực tiếp vào vùng gáy. Xà phòng, phèn chua, các sữa tắm, có mùi thơi có tác dụng bắt nắng gây viêm nám da. Người bị tàn nhang, đồi mồi, lupus ban đỏ, khô da, nên hạn chế tắm nắng, nếu có phải xoa kem chống nắng để tránh làm tăng bệnh.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.