Thai ngôi mông khi sinh các bác sĩ khuyến cáo nên sinh mổ để giảm nguy cơ cho cả mẹ và bé tuy nhiên một số trường hợp thai tuần cuối ngược xong đến thời điểm sinh thai đã kịp quay đầu do đó mẹ cũng đừng quá lo nếu thai ngôi mông nhé!
Ngôi thai ngược là gì?
Ngôi thai ngược hay thai ngôi mông là hiện tượng thai sau 32 tuần và sắp sinh vẫn chưa quay đầu xuống. Do đó, khi sinh nở, phần mông, chân của bé sẽ ra trước, phần đầu ra sau. Điều này không chỉ khiến cho quá trình chuyển dạ kéo dài mà mẹ bầu còn có nguy cơ cao bị sa dây rốn. Hiện nay, vẫn chưa có nguyên nhân chính xác của tình trạng này.
Tuy nhiên theo các thống kê, thai ngôi mông thường gặp ở những mẹ bầu mà trong tử cung tồn tại các yếu tố ngăn cản quá trình quay đầu xuống của thai nhi, như: tử cung dị dạng, có u xơ, mẹ bầu mang đa thai, song thai, thai nhi bị dị dạng, mẹ bầu bị đa ối, thiếu ối, nhau tiền đạo, nhau bám thấp, dây rốn ngắn, mẹ bầu có khung chậu hẹp, đã từng mang thai, sinh nở nhiều lần…
Ngôi thai ngược có thể sinh thường?
Câu trả lời là “có”. Các bác sĩ cho biết, thai phụ khi có ngôi thai ngược vẫn có thể sinh theo phương pháp sinh thường cũng được nếu như thai nhỏ, là con thứ trở đi và tầng sinh môn đã giãn nở nhiều. Ngoài ra, thai phụ có thể sinh theo phương pháp ngả âm đạo, có can thiệp từng phần nhỏ để giảm tỷ lệ sang chấn cho thai nhi.
Với sự phát triển của y tế, khi sản phụ có ngôi thai bị ngược thì có thể áp dụng phương pháp ECV – một thủ thuật xoay thai bên ngoài ở tuần thứ 37 bằng cách tiêm thuốc giãn tử cung, các bác sĩ sẽ trợ giúp để xoay em bé về ngôi thuận để sinh thường được.
ECV là thủ thuật xoay thai được thực hiện bằng cách tiêm thuốc làm giãn tử cung của mẹ bầu, sau đó bác sĩ sẽ xoay ngôi thai về vị trí thuận. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng được chỉ định thực hiện phương pháp xoay ngôi thai. Nếu thai phụ mang song thai, bị ra máu, bị đa ối, từng sinh mổ, hoặc tử cung bất thường… thì sẽ bị cấm xoay ngôi thai.
Đây là phương pháp có tỷ lệ thành công khá cao, có rất ít trường hợp nghiêm trọng xảy ra, chẳng hạn như khiến nhau thai bị đứt khỏi thành tử cung. Nếu thế, thai phụ sẽ phải chỉ định mổ. Khi thực hiện phương pháp ECV có thể sẽ làm giảm nhịp tim thai, nếu nhịp tim thai của thai không nhanh quay lại mức cân bằng thì thai phụ sẽ được chỉ định mổ. Đó là lý do vì sao mà thủ thuật này chỉ được tiến hành từ tuần thứ 37 và ở trong bệnh viện.
Khi chưa có thủ thuật xoay ngôi thai, các bác sĩ thường khuyên các bà bầu có tử cung bình thường nhưng ngôi thai ngược vào gần tháng đẻ nên tập theo tư thế quỳ đầu gối và đầu cúi xuống giường, mông sẽ chổng ngược lên thì thai nhi sẽ tự quay đầu xuống dưới. Thậm chí có thầy thuốc còn làm thủ thuật xoay thai bằng cách day nắn ở bên ngoài thành bụng để thai quay đầu dần xuống dưới vào lúc chưa có chuyển dạ hoặc ngay khi mới bắt đầu chuyển dạ.
Các bác sĩ hiện nay hiếm khi sử dụng những phương pháp truyền thống trên. Để tránh được rủi ro khi sinh, các bác sĩ ở cả Việt Nam cũng như trên thế giới cũng thường khuyên mẹ bầu nên sinh mổ lấy con thay vì sinh thường khi ngôi thai bị lệch.
Làm sao để không bị ngôi thai ngược?
Để không bị ngôi thai ngược, các bác sĩ khuyên mẹ bầu nên chăm sóc thai nghén thật tốt để tránh tình trạng đẻ non (tình trạng này có tỷ lệ ngôi ngược cao hơn). Ngoài ra, những mẹ bầu có khung chậu hẹp, nhau thai bám thấp, tử cung không được bình thường hoặc nước ối ít thì nên sinh mổ. Mẹ bầu cũng cần khám thai đúng lịch trình để nhận được tư vấn từ bác sĩ và có phương hướng xử lý ngôi thai bị ngược sao cho phù hợp với điều kiện sức khỏe.